Viêm xoang là kết quả của một đợt cảm cúm kéo dài hoặc viêm mũi dị ứng nặng. Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thể hiện sự phản ứng của hệ miễn dịch nhằm đáp ứng lại các chất đặc hiệu gọi là dị nguyên.
Viêm mũi dị ứng và viêm xoang là 2 bệnh lý có những triệu chứng bệnh gần giống nhau, chính vì thế chúng ta cần hiểu rõ để phân biệt, đề phòng và điều trị hiệu quả hơn.
Viêm xoang
- Viêm xoang là bệnh lý thể hiện tình trạng nhiễm trùng của lớp màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus hay tình trạng dị ứng dẫn tới phù nề, làm hẹp đường kính các lỗ xoang, dẫn tới các triệu chứng chảy mủ, ứ đọng dịch trong khoang mũi. Người bệnh có thể bị viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính.
Viêm mũi dị ứng
- Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thể hiện sự phản ứng của hệ miễn dịch nhằm đáp ứng lại các chất đặc hiệu gọi là dị nguyên. Ví dụ về dị nguyên thường gặp là phấn hoa, lông vật nuôi trong nhà, bọ nhà,... Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng bao gồm: Hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ngứa mũi, ho, cảm giác đờm ở trong họng, ngứa mắt, chảy nước mắt...
Thông thường, viêm xoang là kết quả của một đợt cảm cúm kéo dài hoặc viêm mũi dị ứng nặng.
Để phân biệt viêm xoang viêm mũi dị ứng, cần dựa vào các tiêu chí:
Về bản chất bệnh:
- Bệnh viêm mũi dị ứng mang tính cơ địa và có yếu tố di truyền bởi nếu bố hoặc mẹ mắc viêm mũi dị ứng thì khả năng lây truyền bệnh cho con ở mức 30%, còn nếu bố mẹ đều có tiền sử bệnh thì tỷ lệ con bị mắc lên tới 50%. Trong khi đó, viêm xoang là bệnh lý do tổn thương, nhiễm trùng, vi khuẩn và nấm gây hại ở các hốc xoang, khoang mũi. Viêm xoang cấp tính bắt nguồn từ cơ địa dị ứng, còn viêm xoang mãn tính không liên quan đến yếu tố di truyền.
Về triệu chứng:
- Viêm mũi dị ứng và viêm xoang đều có chung 2 triệu chứng giống nhau là gây ngứa mũi và nghẹt mũi. Ngoài ra, 2 bệnh còn được phân biệt dựa trên các biểu hiện khác nhau như: Người bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên hắt hơi liên tục không kiểm soát được; chảy nước mũi loãng, trong suốt, không mùi; ngứa họng gây ho; ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, ngứa tai. Khi mãn tính còn gây loạn khứu giác, ngủ ngáy, ù tai, nhức đầu,... lúc này rất dễ nhầm lẫn với viêm xoang mũi dị ứng. Còn người bệnh viêm xoang có triệu chứng chảy dịch mũi màu vàng xanh, đặc quánh và tràn xuống họng; giảm khứu giác gây ngửi kém; đau nhức mặt mũi, nhức đầu, đau tai, đau răng hàm trên; sốt; ho kéo dài và hơi thở có mùi hôi.
Về biến chứng bệnh:
- Trái ngược với viêm xoang, viêm mũi dị ứng là bệnh lành tính, không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, viêm mũi dị ứng kéo dài và nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm xoang mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính, polyp mũi – xoang. Còn viêm xoang lâu ngày có nguy cơ dẫn đến các biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm não, áp xe hậu nhãn...
Về chẩn đoán hình ảnh:
- Khi chụp X-quang viêm mũi dị ứng không cho hình ảnh rõ rệt, khác với Chụp X-quang chẩn đoán viêm xoang sẽ cho thấy các hốc xoang chứa mủ.
Viêm mũi dị ứng và viêm xoang là 2 bệnh lý có những triệu chứng bệnh gần giống nhau, chính vì thế mỗi người cần có kiến thức phân biệt 2 căn bệnh này để phòng và điều trị hiệu quả hơn.
Thuốc chữa viêm xoang mũi được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi và viêm xoang. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi theo chỉ dẫn của bác sĩ.