Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ đảm bảo ăn ngon, hấp thu tốt dưỡng chất mà còn giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tránh xa bệnh tật.
Một hệ thống tiêu hóa tốt đóng vai trò cốt lõi trong sức khỏe toàn thân.
Hệ tiêu hóa trong cơ thể người gồm nhiều bộ phận, bao gồm ống tiêu hóa (bắt đầu từ khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn), gan, tuyến tụy, túi mật… Mỗi cơ quan của hệ tiêu hóa có một chức năng riêng nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau, đảm bảo vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thức ăn sau đó chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng thiết yếu đi nuôi cơ thể...
Một hệ thống tiêu hóa tốt đóng vai trò cốt lõi trong sức khỏe toàn thân. Không chỉ là cơ quan chính của cơ thể đối với việc tiếp nhận và hấp thu chất dinh dưỡng, sức khỏe đường ruột có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ nội tiết, tình trạng da, sức khoẻ tâm thần và các bệnh ung thư… Do đó, một bộ phận nào đó của hệ tiêu hóa bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.
Hệ tiêu hóa “trục trặc” ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng như thế nào?
- Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là khi tiêu hóa thức ăn tốt, giúp cơ thể hấp thu được các chất dinh dưỡng, bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng, nhờ đó, duy trì sức khỏe chung. Tuy nhiên, trong cuộc sống, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính, đều ít nhiều gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì mắc các bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa.
- Mặc dù các khía cạnh của sức khỏe thể chất thay đổi tự nhiên theo tuổi tác, khi chúng ta già đi, thì hệ tiêu hóa cũng thường gặp nhiều “trục trặc” hơn. Nhưng chế độ ăn uống kém, sử dụng nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng, chế độ sinh hoạt không điều độ... sẽ góp phần làm giảm men tiêu hóa, hệ vi sinh vật đường tiêu hóa mất cân bằng, gây ra nhiều bệnh lý rải dọc theo ống tiêu hóa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và miễn dịch của cơ thể.
- Theo thống kê, có khoảng 62% dân số thế giới gặp phải các vấn đề tiêu hóa như táo bón, khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày ít nhất 1 lần mỗi năm. Bệnh lý phổ biến nữa là viêm dạ dày mạn tính. Các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí ung thư. Và khi đường tiêu hóa có “trục trặc” sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
- Hấp thu là giai đoạn trung gian giữa tiêu hóa với chuyển hóa. Các thực phẩm ăn vào được tiêu hóa bởi các men (enzym) ngoại tiết của dạ dày và ống tiêu hóa thành chất hấp thu được qua thành ruột vào máu... rồi được chuyển hóa thành dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của cơ thể. Quá trình hấp thu thức ăn có sự tham gia của nhiều bộ phận trong ống tiêu hóa như dạ dày và nhất là ruột non, ruột già. Ngoài ống tiêu hóa là sự tham gia của gan, mật, tụy… Kém hấp thu là quá trình hệ tiêu hóa không hấp thu được đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm (cho dù chế độ ăn có đầy dủ dưỡng chất), dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, dễ phát sinh nhiều bệnh lý khác nhau.
- Các nguyên nhân của kém hấp thu có thể gặp là do tổn thương của ruột non, do thiếu men tiêu hóa của dạ dày, gan, mật… làm sự tiêu hóa không hoàn thành nên không hấp thu tốt được.
- Hậu quả của quá trình này có thể dẫn đến kém hấp thu nước, điện giải, các chất dinh dưỡng, các muối mật, sinh tố, các yếu tố vi lượng… Điều này dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất, carbonhydrat và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và sự điều hòa của cơ thể, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.