Tỏi (danh pháp hai phần: Allium sativum) là một loài thực vật thuộc họ Hành, nghĩa là có họ hàng với hành tây, hành ta, hành tím, tỏi tây, v.v... và cũng được con người sử dụng làm gia vị, thuốc, rau như những loài họ hàng của nó.
Tỏi là một trong những cây gia vị dễ trồng, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ phát triển cực kì nhanh chóng, lợi dụng ưu điểm này, không ít gia đình thành thị đã sử dụng khoảng vườn nhỏ của mình để trồng.
Từ thời cổ xưa, người ta đã biết sử dụng tỏi để tăng sức dẻo dai và đề phòng bệnh tật. Galilen, thầy thuốc vĩ đại của thời ấy xem tỏi là thuốc bách bệnh của người nông thôn, thuốc bổ, giải độc, lợi tiểu, trị giun, chữa hen suyễn, vàng da và các bệnh ngoài da...
Tỏi có thể tăng cường chức năng miễn dịch
Tỏi chứa các hợp chất giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng. Tỏi có chứa một hợp chất là alliin, khi tỏi được nghiền nát hoặc nhai, hợp chất này biến thành allicin chứa lưu huỳnh, tạo cho tỏi có mùi và vị đặc biệt, tạo ra đặc tính chữa bệnh của tỏi.
Hợp chất này đã được chứng minh là có khả năng tăng cường phản ứng chống lại bệnh tật của một số loại tế bào bạch cầu trong cơ thể khi chúng gặp phải virus, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như thời gian mắc bệnh, và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một nghiên cứu đã cho 146 tình nguyện viên khỏe mạnh bổ sung tỏi hoặc giả dược trong 3 tháng. Nhóm ăn tỏi có nguy cơ bị cảm lạnh thấp hơn 63%. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về thời gian hồi phục sau cảm lạnh.
Một nghiên cứu khác cho thấy cảm lạnh ngắn hơn đáng kể đối với những người ăn 2,56 gam chiết xuất tỏi già mỗi ngày trong mùa lạnh và cúm, so với nhóm dùng giả dược. Cảm lạnh của họ cũng ít nghiêm trọng hơn.