Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu đối với cơ thể con người, và chủ yếu được hấp thu qua đường tiêu hóa tại ruột non. Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng, là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng ở trẻ.
Kẽm thường có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm đồng, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, lươn, gan lợn, sò, hàu, cá, các loại hạt dầu, đậu nành,... Đậu xanh nảy mầm cũng là một trong những thực phẩm giàu kẽm và dễ hấp thu.
Mặc dù kẽm chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ thể nhưng không thể thiếu chúng. Cơ thể thiếu kẽm sẽ suy giảm hệ miễn dịch, chậm tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, thiếu kẽm có thể gây ra một số bệnh nghiêm trọng.
Vai trò của kẽm trong tăng cường miễn dịch
- Kẽm giúp phát triển hệ thống miễn dịch và duy trì hoạt động hiệu quả;
- Bảo vệ cơ thể trước bệnh tật;
- Giúp vết thương mau lành;
- Kích thích sự phát triển của các tế bào lympho T và lympho B, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
Nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ giảm phát triển và suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch bao gồm tế bào lympho T, lympho B và đại thực bào.
Đối với trẻ em, thiếu kẽm sẽ dẫn tới hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm. Do đó, khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng của hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Theo một nghiên cứu của Castillo - Duran, việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp làm giảm 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong lên tới trên 50%.